Views

Cúng ông Công, ông Táo vào ngày giờ nào là đẹp nhất?

Cập nhật: 25 thg 1, 2019 Lúc 21:30
Thời gian làm lễ cúng ông Công, ông Táo tốt nhất theo các chuyên gia văn hóa, cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp.

Theo phong tục cổ truyền của người Việt, hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp các gia đình lại chuẩn bị mâm cơm, làm lễ cúng tiễn vua Bếp (còn gọi là ông Công, ông Táo) lên chầu trời để báo cáo mọi việc tốt xấu của dân gian.


Năm 2019 nên cúng ông Công, ông Táo vào ngày giờ nào là đẹp nhất?

Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho biết, lễ cúng ông Công ông Táo cần được chuẩn bị và tiến hành với lòng thành và sự kính cẩn của gia đình.

Ngoài ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn đến các vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ đã phù trợ cho gia đình trong suốt một năm đã qua, tục lệ cúng ông Công ông Táo còn là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt, hướng con người đến những điều thiện lương.
Thời gian làm lễ cúng ông Công, ông Táo tốt nhất theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian của từng gia đình có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần cầu kỳ, tốn kém nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc.

Trong đó, mâm cơm cúng các gia đình có thể làm các món ăn truyền thống của người Việt như: xôi, gà, chân giò luộc, các món nấu nâm, măng, bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng và 3 con cá chép.
Lễ vật cúng ông Táo đầu tiên là ba chiếc mũ giấy. Trong đó, hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công ông Táo (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.

Về nơi cúng, theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, trong lễ cúng ông Công ông Táo, nếu nhà có ban thờ Táo quân (thường đặt gần bếp) thì thắp hương ở ban thờ này.

Nếu không có ban thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp. Vì từ xưa đến nay, ban thờ luôn có ý nghĩa đặc biệt là “cầu nối” để tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, người đã khuất, thường được đặt ở nơi trang trọng, linh thiêng.
Sau khi kết thúc lễ cúng ông Công ông Táo, các gia đình tiến hành hóa vàng mã và mang cá chép thả xuống sông hồ. Việc thả cá chép ngoài việc cung cấp “phương tiện” cho ông Táo lên trời còn mang ý nghĩa phóng sinh, hướng thiện.

Chính vì thế, theo chuyên gia Phạm Cương nên chọn nơi nước sạch để cá có thể sống được. Khi thả cá không nên thả cá từ trên cao như đứng trên cầu, bờ xa ném cá xuống nước vì như vậy cá sẽ chết. Nên chọn một địa điểm mép nước ở sông, hồ và thả cá từ từ. Đặc biệt, không nên ném cả túi nilon xuống nước để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Việc cúng cá chép trong lễ ông Công ông Táo tùy theo điều kiện có thể dùng cá chép thật hoặc cá chép giấy đều được.

Hiện nay, trong mâm lễ cúng ông Công, ông Táo nhiều gia đình không tiếc tiền sắm sửa mâm cao cỗ đầy, mua nhiều tiền vàng thậm chí sắm máy bay, điện thoại bằng vàng mã… làm “phương tiện” tiễn ông Táo về chầu trời. Điều này, theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương đều là quan điểm sai lầm, không đúng với truyền thống.

“Theo Phong tục từ ngàn xưa thì ông Công, ông Táo chỉ cưỡi cá chép nên việc cúng ông Công ông Táo bằng những đồ vàng mã mô tả những phương tiện, đồ vật hiện đại như: máy bay, điện thoại …thể hiện sự lệch lạc trong nhận thức của một số người.

Việc thờ cúng nói chung hay việc cúng ông Công ông Táo nói riêng thể hiện tấm lòng thành, cái tâm của gia chủ đối với các đấng thần linh. Lễ vật phải tùy vào điều kiện của từng nhà và phải đúng cách chứ không phải cứ mâm cao cỗ đầy, đồ cúng sang trọng đắt tiền mới là tốt”, chuyên gia Phạm Cương nhấn mạnh.

Trong khi đó,  TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng cho rằng, theo quan niệm dân gian ngày làm lễ cúng ông Công ông Táo là để tiễn các vị thần về chầu trời, tâu với Ngọc Hoàng những chuyện tốt – xấu của gia đình trong năm vừa qua.

Cái quan trọng, cần thiết nhất là thể hiện lòng thành kính, hướng đến tổ tiên. Khi thắp hương chỉ nên cầu cho “người yên vật thịnh”, gia đình yên ấm, mọi người bình an chứ không nên đặt nặng vấn đề tài lộc, phú quý như nhiều người đang làm.

Ngoài ra, về mâm cơm cúng Táo Quân, nhiều quan điểm tranh luận trái chiều về việc nên cúng cỗ mặn hay cỗ chay, TS. Trần Hữu Sơn cho rằng, việc cúng cỗ là tùy thuộc vào văn hóa của từng vùng miền cũng như thói quen, điều kiện của mỗi gia đình. Nếu đúng theo quan niệm dân gian, mâm cỗ truyền thống là những món ăn quen thuộc trong mâm cơm người Việt như: xôi, gà luộc, nem, chả, giò, hoa quả, trầu cau… Tuy nhiên, đặt trong cuộc sống hiện đại ngày nay thì mỗi gia đình cũng chỉ cần làm đơn giản, trong điều kiện có thể, điều quan trọng nhất vẫn là thể hiện được lòng thành kính trước ban thờ tổ tiên.

Hiệp Nguyễn
Theo dantri

Tag : cúng ông Công ông Táo , ngày giờ cúng ông công ông táo , chuyên gia phong thủy phạm cương , mâm lễ cúng ông công , lễ cúng ông công ông táo

Bài đăng mới hơn Bài đăng cũ hơn